Kế toán doanh nghiệp là gì? Các công việc của một kế toán doanh nghiệp?

Những vấn đề liên quan tới loại hình kế toán doanh nghiệp đang là một trong các chủ đề rất được các bạn sinh viên quan tâm. Bởi vậy, trong bài viết này chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin về kế toán doanh nghiệp để bạn hiểu đây là ngành nghề gì và họ phải làm những công việc nào.

1. Kế toán doanh nghiệp là gì?

Kế toán doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các công việc từ thu thập, xử lý, kiểm tra tới phân tích và cung cấp các thông tin liên quan về các lĩnh vực kinh tế, tài chính được thể hiện qua giá trị, hiện vật và thời gian lao động tại doanh nghiệp.

– Trong kế toán doanh nghiệp có 2 bộ phận chính là:

 + Kế toán thuế: Phụ trách các công việc thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp các thông tin liên quan tới kinh tế, tài chính thông qua báo cáo tài chính. Báo cáo này nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán, cụ thể chính là cơ quan thuế chủ quản của doanh nghiệp hoặc ngân hàng

+ Kế toán nội bộ: Bộ phận này có trách nhiệm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp các thông tin liên quan tới kinh tế, tài chính dựa theo yêu cầu của quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán. Trong bản báo cáo của bộ phận kế toán nội bộ phải ghi nhận chi tiết và chính xác các thông tin, dữ liệu để các nhà quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan, đánh giá được tình trạng thực tế và đưa ra phương hướng phát triển.

2. Muốn làm kế toán doanh nghiệp phải có kiến thức gì?

Để trở thành một kế toán doanh nghiệp các bạn cần phải nắm được:

– Các chuẩn mực kế toán và luật kế toán mới nhất được Nhà nước ban hành

– Đã trải qua đào tạo chuyên ngành về ngành kế toán. Trong quá trình học bạn cần phải nắm vững được nền tảng kiến thức, tích lũy những kiến thức căn bản và nghiên cứu chuyên sâu để có thể hiểu rõ về lĩnh vực này

– Làm kế toán doanh nghiệp cần phải có tính cẩn thận. Đây là đức tính quan trọng của một kế toán bởi ngành này liên quan nhiều tới tài liệu, sổ sách, giấy tờ. Những con số chính là những thông tin quan trọng nói cho bạn tình hình tài chính. Do đó, bạn cần phải đảm bảo tài liệu được gìn giữ cẩn thận, thông tin phải chính xác, dễ tìm kiếm, tra cứu. Trong quá trình tổng hợp thông tin cần hết sức cẩn thận bởi chỉ sai một con số, một dấu chấm, dấu phẩy cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới công ty, doanh nghiệp

– Thông thạo các kỹ năng khác như: đọc và phân tích báo cáo tài chính, kỹ năng đàm phán, thương lượng,… bởi kế toán doanh nghiệp cần phải thường xuyên làm việc với các đơn vị thuế hay ngân hàng

– Thông thạo kỹ năng tin học văn phòng và ngoại ngữ. Đây là hai kỹ năng căn bản mà ngành nào cũng cần, đặc biệt là ngành kế toán doanh nghiệp

3. Các công việc của kế toán doanh nghiệp là gì?

Những công việc chính của một kế toán viên doanh nghiệp là:

– Phải luôn nắm được tình hình của doanh nghiệp mình đang công tác, bao gồm: tài sản, các hoạt động thanh toán lương thưởng, vay vốn, thế chấp, mua bán hàng, sản xuất,… Kế toán viên sẽ phải tập trung các thông tin trên để có thể giải quyết được những vấn đề chuyên môn liên quan đến lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, các chứng từ, sổ sách kế toán cần phải luôn đầy đủ, chính xác

– Thu nhận và tổng hợp các thông tin liên quan tới doanh nghiệp mình đang công tác. Cần phải lập các bảng báo cáo với những số liệu chi tiết về tình hình sản xuất, thu – chi của doanh nghiệp, giúp cấp trên có thể nắm được hoạt động và chuyển biến của đơn vị

– Phân loại và sắp xếp các tài liệu, dữ liệu của doanh nghiệp một cách khoa học, rõ ràng, minh bạch trong sổ kế toán. Như vậy, khi cần thiết có thể kiểm tra, đối chiếu dễ dàng hơn

4. Khi làm kế toán cho doanh nghiệp mới cần biết những gì?

Nếu các bạn trở thành một kế toán cho doanh nghiệp mới thì cần phải lưu ý các vấn đề sau:

– Doanh nghiệp mới thành lập sau khi đã thông báo phát hành hóa đơn cần phải nộp “báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn” theo định kỳ dù chưa xuất hóa đơn

– Giá trị VAT đầu vào chưa kê khai có thể kê khai bổ sung trong các kỳ sau và không bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên, các chi phí phát sinh vào năm nào thì phải kê khai vào năm đó. Đây là vấn đề kế toán doanh nghiệp nên lưu tâm

– Nếu doanh nghiệp phát hiện tình trạng số thuế GTGT đầu vào khi kê khai có hiện tượng khấu trừ sai sót thì có thể kê khai khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở

– Đối với các lao động dưới 3 tháng, có mức thu nhập dưới 2 triệu/tháng thì không khấu trừ thuế 10%. Nếu trên 2 triệu/tháng thì phải làm cam kết 02/TNCN

– Đối với những sổ sách kế toán sau khi kiểm tra phát hiện có sai sót, áp dụng không đúng chính sách kế toán thường sẽ được giải quyết bằng cách làm lại toàn bộ và ký lại. Việc điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các chuẩn mực kế toán về thay đổi chính sách kế toán và các sai sót

– Một thông tin quan trọng mà kế toán doanh nghiệp cần nắm được là những khoản chi phí phải thanh toán có giá trị trên 20 triệu đồng nhưng công ty lại không nộp tiền mặt vào trong tài khoản của công ty đối tác sẽ không được khấu trừ thuế TNDN và GTGT đầu vào. Do đó, trong trường hợp này doanh nghiệp phải lập Ủy nhiệm chi để chuyển tiền từ tài khoản của công ty mình sang tài khoản của công ty đối tác đã đăng ký với thuế/Sở Kế hoạch Đầu tư

– Nếu doanh nghiệp bán hàng nhưng không chịu xuất hóa đơn nhưng lại vẫn lấy hóa đơn mua hàng hóa, vật tư liên tục sẽ khiến cho việc theo dõi tình trạng hàng hóa trên bảng nhập xuất tồn hàng còn nhiều mà trong thời gian tới cũng không có dự định xuất ra sẽ khiến tiềm ẩn nguy cơ bị ấn định thuế. Tình trạng này có thể sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng.

– Doanh nghiệp kinh doanh có thể bị lỗ. Không có quy định nào về việc hạn chế lỗ trong thời gian bao lâu cả mà chỉ có quy định về thời gian được phép chuyển lỗ qua các năm là 5 năm. Nếu như quá 5 năm thì doanh nghiệp sẽ không được phép chuyển lỗ để quyết toán thuế TNDN

Trên đây là các thông tin liên quan về kế toán doanh nghiệp mà các bạn cần biết. Đây là một trong các bộ phận vô cùng quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp. Công việc của một kế toán viên rất quan trọng, yêu cầu người giữ vị trí này vừa phải có kiến thức chuyên môn tốt lại vừa có tính cẩn thận, bảo mật.